Khi bộ điều nhiệt Nest Learning xuất hiện vào năm 2011, người ta bắt đầu hình dung về những ngôi nhà thông minh với hàng loạt thiết bị tự động hoá. Nest gieo nhiều kỳ vọng về những ngôi nhà có thể tự vận hành và có thể chăm sóc cho chủ nhân.
Vài năm sau đó, viễn cảnh về smart home bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện của Amazon Echo. Chiếc loa thông minh tích hợp trợ lý Alexa đời đầu khá đơn giản nhưng lại mở ra cánh cửa mới để con người bước vào một ngôi nhà thông minh thật sự. Đến nay, điều khiển bằng giọng nói đã trở thành điều kiện tiên quyết của smart home. Alexa tự hào có thể tương thích với hơn 100.000 thiết bị thông minh khác trong nhà.
Hai cách tiếp cận nhà thông minh mở đang dần phân cách. Trong khi tự động hoá nhằm chấm dứt những công việc hàng ngày của bạn thì trợ lý ảo giúp bạn ra lệnh cho các thiết bị hoàn thành việc nhà. Cuối cùng, có vẻ như Alexa và Google Assistant đang thắng thế vì lý do chính đáng: Họ có thể vẽ ra viễn cảnh hứa hẹn và đầy cảm hứng về tương lai nhà thông minh.
Về lý thuyết, hầu hết mọi người đều thích tự động hoá. Tuy nhiên những hệ thống cảm biến nhiệt, ánh sáng hoặc chuyển động lại đem lại nhiều phiền phức. Ví dụ nếu muốn tắt đèn của cả nhà, bạn phải đi qua từng phòng để cảm biến thấy chuyển động và mã hoá thành lệnh tắt. Sẽ rất khó để bạn đi lại trong đêm mà không gây ảnh hưởng đến người khác với một hệ thống cảm biến chuyển động. Nếu nhà bạn có vài vị khách, mọi thứ có thể rối tung lên.
Một vấn đề khác của tự động hoá là các thiết bị này phải mất thời gian, công sức để thiết lập. Hình dung về một ngôi nhà tự động hoá giống những gì bạn nghĩ về một chiếc điện thoại mới - tất cả ứng dụng đều sẵn sàng để sử dụng, nhưng không, bạn phải mày mò, tải về, cài đặt và thiết lập từng ứng dụng. Đôi khi việc ấn một công tắc lại đơn giản hơn nhiều so với việc thiết lập một hệ thống đèn cảm biến.
Mặc dù có nhiều tiện ích, ngôi nhà tự động hóa vẫn phải đối mặt với một vấn đề: Chúng đang xem xét những việc chúng ta làm hàng ngày như mở rèm, bật đèn, khoá cửa... rồi cố gắng bằng cách nào đó làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn theo một cách máy móc. Trong khi đó, Alexa và Google Assistant lại tập trung vào những gì ta có thể làm hơn là những gì đã làm.
Loa thông minh ngày càng được bổ sung nhiều tính năng từ theo dõi lịch trình, ghi nhớ thói quen đến mô phỏng các trường hợp đột nhập trái phép để liên lạc với bộ phận an ninh. Trợ lý ảo đang hoạt động như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng 10 năm trước. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thành hiện thực. Dễ nhận thấy nhất là những gì đang diễn ra trong nhà bếp. Ví dụ trợ lý ảo có thể kiểm tra thực phẩm trong tủ lạnh, sau đó tìm kiếm thực đơn trực tuyến, công thức nấu và gợi ý những món ăn có thể. Chúng cũng có thể cân đối lượng dinh dưỡng, đưa ra lời khuyên cho từng thành viên theo hồ sơ sức khoẻ.
Trợ lý ảo trong kỷ nguyên IoT kết hợp AI cũng khơi mở nhiều tiềm năng hơn cho nhà thông minh so với những hệ thống tự động hoá ít có tính kết nối và học hỏi.