Apple HomeKit
Ưu điểm:
- Giao diện dễ sử dụng, dễ tương tác: đồ Apple mà, anh em có thể hiểu được cách mà họ thiết kế, có thể dễ dàng nắm bắt tính năng, và cách tổ chức, sắp xếp, quản lý nhà, quản lý phòng cũng đơn giản. App điều khiển thao tác rất dễ
- Ghép nối thiết bị cực kì dễ: đa số món đồ Apple HomeKit đều có một các mã QR dán lên hộp hoặc lên thân sản phẩm, để ghép nó vào nhà bạn thì chỉ cần quét mã QR đó là xong, còn lai thì nó sẽ được tự động hết, rất sướng và nhàn
- Tiện lợi cho anh em nào dùng đồ Apple: nếu như anh em dùng iPhone, iPad, MacBook, Apple TV thì đương nhiên xài HomeKit sẽ dễ dàng, chứ anh em dùng Android mà xài HomeKit thì sẽ hơi cực đấy. Anh em xài Android thì mình khuyên từ đầu là không nên dùng HomeKit đâu
- Đồ dùng HomeKit bắt đầu dễ mua hơn: ở thời điểm 2019, 2020 thì đồ HomeKit khá là khó mua, đi kiếm mua ở Việt Nam cực lắm và giá thì thường rất đắt, lại không phải món nào cũng có bảo hành chính hãng. Nhưng đến năm 2021 này thì đồ HomeKit đã về nhiều hơn, Aqara cũng bắt đầu phân phối chính hãng với giá khá ổn. Từ đây đến cuối năm chắc sẽ còn nhiều đồ tương thích HomeKit về nước.
- Nhiều món HomeKit có thể điều khiển qua mạng nội bộ: tức là tín hiệu khi bạn điều khiển thiết bị nó chỉ chạy lòng vòng trong nhà của bạn thôi, không cần đi ra Internet, không cần đi đến server của nhà sản xuất. Thế nên tốc độ sẽ nhanh hơn, mùa đứt cáp cũng đỡ cực hơn.
Nhược điểm:
- Giá cao hơn so với đồ Google Home: những món đồ chỉ hỗ trợ Google, Amazon có giá rẻ hơn so với đồ Apple HomeKit, từ vài trăm cho đến cả triệu.
- Độ đa dạng ít hơn: dù đồ HomeKit về Việt Nam cũng nhiều, nhưng so về đồ đa dạng thì đồ tương thích Google Home vẫn cao hơn, có nhiều lựa chọn, nhiều tính năng và nhiều hãng hơn.
Google Home
Ưu điểm
- Android hay iOS gì cũng chơi được hết: Google Home có app cho cả hai nền tảng, nên việc thiết lập, kết nối cơ bản là dễ dàng, không có nhiều điều bạn phải lo lắng
- Có thể liên kết thêm với các sản phẩm, dịch vụ bên ngoài: Ví dụ, mình dùng những cái công tắc của hãng Javis, hoặc dùng máy hút bụi của Xiaomi, đèn của Yeelight, LED dây của Philips… tất cả đều có thể liên kết với Google Home và add những thiết bị đó vào trong nhà của bạn. Khi đó chúng có thể tương tác lẫn nhau, có thể điều khiển chung từ một app…
- Đồ đa dạng và rẻ, dễ kiếm tại Việt Nam: chỉ khoảng 200k, 300k là bạn có thể mua được những món đồ tương thích với Google Home, và bạn có nhiều lựa chọn lắm, từ các hãng rẻ rẻ như Tuya cho đến những món cực đắt của Philips. Đồ Xiaomi và các món thuộc hệ sinh thái Xiaomi cũng nhiều món hỗ trợ Google Home lắm.
Nhược điểm
- Giao diện điều khiển, tương tác không thân thiện như Apple HomeKit, nhưng vẫn không tới mức khó dùng nên không sao
- Khả năng thiết lập tự động hóa (automation) không cao, kịch bản khá là giới hạn, trong khi Apple HomeKit có rất nhiều thứ về automation để bạn thiết lập. Phần này HomeKit thắng Google Home. Với các món Google Home, khả năng cao bạn phải thiết lập automation từ app của nhà sản xuất, mà như vậy thì đâu có dùng được món đồ của nhiều hãng khác nhau trong cùng 1 kịch bản. Google Home có tính năng tên là Routine để thiết lập chuỗi hành động nhưng cũng không sướng lắm
- Loa Google Home hiện tại hết hỗ trợ tiếng Việt rồi: nếu mà loa Google mà còn hỗ trợ tiếng Việt, chắc chắn là anh em nên chọn Google, sướng hơn, nhưng giờ thì phần điều khiển giọng nói Apple HomeKit và Google Home đang tương đương nhau